Bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di
tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông
khác, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến
trúc thể hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như
sân lát gạch, các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua... Đó là những lớp trầm tích
văn hóa, thể hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến
mà vương triều Hồ là một mắt xích không thể thiếu.
Thành Nhà Hồ là tên thường gọi của tòa thành bằng đá còn khá
nguyên vẹn giữa vùng đồng bằng lưu vực sông Mã và sông Bưởi, thuộc địa phận các
thôn Tây Giai, Xuân Giai (xã Vĩnh Tiến), Đông Môn (xã Vĩnh Long), huyện Vĩnh Lộc,
tỉnh Thanh Hóa, thuộc miền Bắc Việt Nam. Thành còn có tên gọi khác như: thành
An Tôn vì khu vực này vào cuối thời Trần có tên là động An Tôn; thành Tây Đô vì
thành là kinh đô của nước Đại Việt (1397 - 1400) và Đại Ngu (1400 - 1407);
thành Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh (Thăng Long); Thạch Thành vì thành được
xây toàn bằng đá; thành Tây Giai vì thành thuộc thôn Tây Giai.
Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ,
Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy,
tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. Thành tọa lạc ở vị trí giáp
ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo
lợi thế về quân sự. Sử dụng tới 20.000 m3 đá để xây dựng và gần 100.000 m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội
thành); Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ
nội thành và La thành là vòng ngoài cùng.
Chính sử chép: “Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly
sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa,
đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập
đường ngõ” - (sách “Đại Việt Sử ký toàn thư” của Ngô Sĩ Liên). Với khối lượng
công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn,
người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời
của con người đã đổ xuống và hằn lên công trình này. Và theo đó, thời gian xây
dựng Thành Nhà Hồ không chỉ khiến nhiều người kinh ngạc, thán phục mà còn là yếu
tố làm nên sức hấp dẫn của tòa thành. Trải qua 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc
bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành - biểu
tượng của Thành Nhà Hồ - vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật
với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.
Bên cạnh phần di tích lộ thiên, tiến hành khảo cổ tổng thể di
tích Đàn tế Nam Giao và khai quật trên diện tích hàng chục nghìn mét vuông khác,
các nhà khảo cổ đã phát hiện được hàng nghìn di vật và nhiều mảng kiến trúc thể
hiện sự giao thoa, tiếp biến kiến trúc các thời Trần, Hồ và Lê sơ như sân lát gạch,
các trụ chân tảng bằng đá, Giếng Vua... Đó là những lớp trầm tích văn hóa, thể
hiện sự tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các triều đại phong kiến mà vương triều
Hồ là một mắt xích không thể thiếu.
Có thể nói, nhìn trên bình diện nào, dù là kiến trúc, lịch sử,
văn hóa hay khảo cổ, Thành Nhà Hồ đều “phát lộ” ánh hào quang của riêng nó. Từng
đóng vai trò là nơi giao lưu, trao đổi các giá trị văn hóa giữa Việt Nam với
các nước Đông Á và Đông - Nam Á; nơi duy nhất ghi dấu ấn đặc biệt trong việc thực
hiện các quyết định cách tân đất nước của vương triều Hồ, góp phần thúc đẩy và
tăng cường các trào lưu tư tưởng mới ở Việt Nam và khu vực... Ngày nay, Thành
Nhà Hồ trở thành chứng nhân lịch sử và những giá trị tự thân của nó đương nhiên
đã mang “tầm” thế giới khi chính thức ghi tên mình vào “ngôi đền” di sản văn
hóa nhân loại.
Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ nói giữ vai trò quan trọng,
là nguồn tài nguyên vô hạn cho việc khai thác, phục vụ phát triển du lịch. Từ
đó kích thích tiêu dùng tạo ra những sản phẩm mang giá trị đặc trưng, làm thỏa
mãn các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, tăng thu nhập cho người dân địa
phương và đem lại nguồn tài chính đáng kể, góp phần làm tốt công tác bảo tồn.
Hơn nữa, việc phát huy tốt giá trị của di sản còn mang lại một lợi nhuận vô giá
về mặt tinh thần, bởi thông qua việc hiểu biết về di sản văn hóa sẽ có tác động
trực tiếp tới phương diện giáo dục, giúp vun đắp tình cảm cho mỗi cá nhân và cộng
đồng.
Hoạt động du lịch chính là con đường đưa khách tham
quan đến với Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, để làm cho Di sản
có giá trị đúng với chính nó, làm cho di tích có hồn và sống lại với thời gian.
Du lịch trở thành phương tiện để truyền tải và trình diễn các giá trị văn hoá của
địa phương, dân tộc để mọi khách du lịch trong nước và quốc tế khám phá, chiêm
ngưỡng, học tập và thưởng thức.
Nguồn :Phạm Văn Thành